5 món ăn ngon ngày Tết có thể bạn chưa biết
Ngày Tết nhà nhà bận rộn, người người háo hức chào đón năm mới theo nhiều cách riêng. Có nhiều người thì chuẩn bị cho những chuyến du lịch tết, người thì bận sắm sửa quần áo mới cho thật xinh đẹp trong dịp đầu năm. Nhưng cũng có rất nhiều gia đình dành thời gian để làm thật nhiều món ăn ngon cho ngày Tết thật trọn vị, đầy hương sắc.
Nhiều món ăn ngon truyền thống cũng như món mới được chuẩn bị tươm tất trên mâm cơm cả gia đình cùng quây quần thưởng thức. Dưới đây là gợi ý 5 món ăn ngon ngày tết có thể bạn chưa biết góp một phần tươi mới trong không khí nhộn nhịp ngày Xuân.
1. Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là một phần không thể thiếu được trong ngày tết, thấy bánh chưng là thấy tết. Nhắc đến bánh chưng là nhắc đến một món ăn truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, độc đáo ở nguyên liệu, cách gói, cách nấu và ý nghĩa cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng.
Bánh chưng là sự kết hợp giữa nhiều nguyên liệu gắn liền với người dân, gắn liền với văn hóa lúa nước, sản xuất như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn. Bánh chưng ngon là phần bánh khi mở ra không dính với lá, nếp dẻo thơm và nhân vừa ăn.
Ngày nay bánh chưng, bánh tét đa dạng hơn từ hương vị tới cách gói, có sự biến đổi để phù hợp với thị hiếu nhưng không làm mất đi cái bản sắc vốn có của loại bánh truyền thống này. Ngoài màu xanh quen thuộc từ lá dong, lá riềng thì còn có cả bánh chưng, bánh tét màu tím từ lá cẩm tím, màu vàng từ tinh bột nghệ, màu xanh từ lá nếp, màu đỏ từ gấc.
2. Mứt dừa Tết
Mứt dừa cũng được xem là món ăn ngon ngày Tết mà có lẽ đã đi vào tiềm thức, món ăn đã khá quen thuộc, dễ làm hương vị ngon hơn bao giờ hết.
Chính qua cách làm tỉ mỉ của mứt dừa mà ta liên tưởng đến tính bền bỉ chịu thương chịu khó của người dân. Trải qua từng công đoạn từ nạo lấy cơm dừa, cắt mỏng rửa sạch, để ráo, tiếp đến ủ đường cho thấm vị khoảng nhiều giờ sau đó mới đem sên liên tục trên chảo tới khi dừa khô. Thành quả chính là những miếng dừa có màu trắng từ đường, beo béo của dừa và ngọt thanh rất dễ ăn.
Ngày nay mứt dừa được biến tấu hình ảnh với nhiều màu sắc khác nhau như xanh lá dứa, tim tím lá cẩm tím, đỏ của gấc, vàng của bí đỏ khá bắt mắt lại còn tặng hương vị cho loại mứt này.
3. Xôi Tết
Xôi từ lâu được biết đến là món ăn thông dụng trong đời sống của người dân có chung nền văn hóa lúa nước, món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết, giỗ, thờ cúng. Để có thể chế biến thành công món xôi thì bạn cần chuẩn bị: gạo nếp thơm dẻo, đỗ, lạc, gấc,.. sau đó đem đi đồ chín.
Trong dịp lễ tết người dân ưa thích sử dụng nhất là món xôi gấc, màu đỏ của gấc đem lại sự may mắn, cát vượng trong năm mới. Màu đỏ của gấc phù hợp với không khí tưng bừng, náo nhiệt, pháo nổ, đèn lồng rực rỡ sắc Xuân, nhà nhà cùng nhau vui vẻ đầm ấm.
Hiện nay với nhiều sự sáng tạo mới, món xôi ngày Tết không chỉ đơn thuần là xôi gấc mà xôi có đầy đủ ngũ vị, ngũ sắc hấp dẫn, mang lại thật nhiều may mắn, sung túc cho một năm tiếp. Xôi tím của lá cẩm tím, xôi vàng bột nghệ, xôi xanh của lá dứa, xôi hồng của củ dền tạo nên hương vị độc lạ cho mâm cỗ ngày tết.
4. Bánh gai
Bánh gai không chỉ được nhắc đến là thức quà bình dị thường ngày, món quà ý nghĩa cho những vị khách thăm quê mang về làm quà mà nó cũng là một phần không thể thiếu vào dịp giỗ chạp, lễ tết, được xem là lễ vật được đặt trên ban thờ thờ cúng gia tiên đặc trưng ở nhiều vùng quê.
Những chiếc bánh gai thơm nứt được tạo nên từ nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng lại tạo ra hương vị đặc trưng hấp dẫn vô cùng làm cho mọi người phải say đắm. Những chiếc bánh gai thơm màu đặc trưng của lá gai kết hợp cùng bột gạo nếp làm nên vỏ bánh, nhân hòa quyện giữa đậu xanh, thịt và hương dầu chuối, được bọc bởi lớp vỏ mang hương thơm nhẹ của tự nhiên đất trời là lá chuối khô. Hòa quyện tạo nên thức bánh ăn vào nhớ mãi không quên.
Nhiều vùng quê đặc biệt là các làng nghề truyền thống làm bánh gai, mỗi dịp tết đến song song gói những chiếc bánh chưng thì bánh gai cũng được hiện diện trên ban thờ. Nhà nhà lại tấp nập cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu, sum họp gói bánh mang lại không khí ngày tết thêm rộn ràng.
5. Thạch rau câu ngày Tết
Ngày tết ăn khá nhiều đồ ăn nóng và béo, làm nhiều bạn mau ngán và sợ tăng cân. Thạch rau câu là món ăn tráng miệng tuyệt vời thanh mát sau mỗi bữa ăn cũng như là món ăn nhẹ đãi khách đến chơi nhà đó.
Những miếng thạch man mát, mềm mềm, dai dai, nhiều màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng,... các bé thích thú mà ngay cả người lớn nhìn cũng muốn thưởng thức liền. Màu sắc đa dạng của thạch rau câu cũng góp phần tô sắc hòa vào không khí tươi vui, rực rỡ ngày đầu xuân mới.
Ẩm thực Tết dịp Nguyên Đán chính là một nét đẹp không thể nhầm lẫn ở bất cứ đâu, những món ăn tạo nên đặc trưng của vùng đất bạn đang sinh sống. Cho dù xã hội ngày nay có phát triển, các món ăn trong mâm cỗ Tết cũng phong phú hơn nhưng không thể thiếu được những món ăn truyền thống. Ở mỗi vùng có thể hương vị khác nhau nhưng không làm mờ nhạt đi cái đặc trưng vốn có của từng món ăn truyền thống.
Hương vị ngày tết khó mà trọn vẹn nếu thiếu những món ăn này. Mùa Tết đoàn viên đã đến rồi. Ngoài việc trang hoàng không gian sống, làm việc lộng lẫy thì hãy cùng gia đình chuẩn bị thật nhiều món ăn ngon chiêu đãi gia đình và khách dịp đầu năm bạn nhé.
Chúc bạn có một năm mới thật an khang, thịnh vượng và có những bữa cơm ngày Tết thật trọn vị!